Sau các buổi chiếu cho báo chí, giới giải trí và chính thức chiếu sớm từ ngày 13-10, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam nhận phản hồi tích cực về chất lượng, cảm xúc và mức độ đầu tư.
Đây là phản hồi xứng đáng vì bộ phim không chỉ gói gọn trong hành trình tìm cha đầy thăng trầm qua các tỉnh miền Tây của cậu bé An, mà còn là bản anh hùng ca về lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của người dân miền Nam thời thực dân Pháp đô hộ.
Phim có những đại cảnh hoành tráng, các cảnh chiến đấu ngặt nghèo cũng như khắc họa sự hy sinh, mất mát của người dân Việt Nam để bảo vệ đồng bào mình.
Bên cạnh đó, luồng dư luận tiêu cực về phim nhắm vào những chi tiết được cho là "sạn", "lỗi" về trang phục hay thắc mắc vai trò của diễn viên, đồng giám đốc sản xuất Trấn Thành trong quá trình quảng bá.
Một số góp ý hợp lý nhưng cũng có những hiểu lầm.
Bác Ba Phi mặc đồ giống Trung Quốc?
Những ngày qua, cư dân mạng chuyền nhau bức ảnh diễn viên Trấn Thành mặc trang phục màu trắng được cho là giống sườn xám của Trung Quốc với hàng khuy 6 nút.
Trong khi đó, áo dài nam ngũ thân của Việt Nam có 5 khuy để gửi gắm thông điệp về "ngũ thường". Ngoài ra, chất liệu khuy hay đường viền đen của chiếc áo cũng gây cảm giác giống trang phục Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây có lẽ không phải là vấn đề lớn nếu như nhiều người không hiểu lầm đây là cảnh và trang phục chính thức trong phim Đất rừng phương Nam.
Vì hiểu lầm này, nhiều khán giả đã kết luận "bác Ba Phi mặc đồ Trung Quốc", cũng như đưa ra những ví von mỉa mai như "bác Ba Phi hay bác Ba Tàu?".
Thực chất, đây là cảnh và trang phục trong MV Bài ca Đất phương Nam do Công ty Trấn Thành Town thực hiện để quảng bá phim.
Như vậy, các diễn viên xuất hiện trong MV này với tư cách chính họ chứ không phải nhân vật, là Trấn Thành chứ không phải bác Ba Phi. Họ chỉ mặc trang phục gợi nhớ về bộ phim và về thời kỳ đó chứ không nhất thiết phải mặc trang phục chuẩn xác của nhân vật.
Tuy nhiên, về trang phục của chính bác Ba Phi trong phim thì khi bộ ảnh của nhân vật được tung ra, cũng trên mạng đã râm ran tranh cãi rằng đó là áo của người Hoa, với hàng khuy cài nút trên áo rất đặc trưng.
Về vấn đề này, trên trang cá nhân, đạo diễn Trần Chí Kông nêu ý kiến: "Trong đời sống người miền Tây trước 1975 thì cái áo có khuy gài và nút thắt bằng vải ấy khá quen thuộc. Người bình dân, nghèo mạt như ông nội tôi, cùng quê Cà Mau với bác Ba cũng có một cái như vậy. Các ông mặc đi đám tiệc cho nó sang sang một chút. Tuổi thanh niên, tôi cũng từng diện áo ấy".
Đạo diễn nhận định "chiếc áo của người Hoa ấy đã chan hòa trong đời sống người miền Tây".
Đạo diễn: "Hoa hay không Hoa, sẽ còn tranh cãi nhiều"
Sau buổi chiếu ra mắt phim, báo chí hỏi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của Đất rừng phương Nam về những tranh cãi quanh trang phục của bác Ba Phi và Trấn Thành.
Đạo diễn nói về vấn đề: "Hoa hay không Hoa, thật ra sẽ còn tranh cãi nhiều. Bản thân các nhà nghiên cứu sẽ còn tranh cãi".
Về trang phục của Trấn Thành trong MV Bài ca Đất phương Nam, đạo diễn nói: "Ở MV thì không phải là trang phục trong phim, chỉ là mọi người tụ lại và hát chung. Nếu trang phục giống phim thì cũng ngán. Đó cũng là thời trang thôi, đâu có sao".
Anh nói thêm: "Trong MV, Trấn Thành đã chọn một chiếc áo lịch thiệp, đẹp để đi quay.
Còn trong phim sẽ thấy những yếu tố người Hoa bởi thực ra miền Tây, với tôi, là một nơi du nhập rất nhiều người.
Ở đó có cộng đồng người Hoa, người Khmer, người Việt. Bản thân người Hoa cũng có nhiều người Tiều. Đó là đặc trưng của miền Nam.
Miền Nam rất hay là chào đón tất cả mọi người. Quan trọng cuối cùng là tình cảm của con người" - đạo diễn nói.
Còn khi nói chung về khía cạnh phản ánh thực tế của phim ảnh, đạo diễn nêu quan điểm: "Tôi nghĩ phim không phải là sách giáo khoa, không mang nhiệm vụ là tư liệu".
Anh thừa nhận có những cái phim làm không tới, có những cái đã làm theo khả năng của đoàn phim. "Tôi không đổ thừa, nhưng thật ra đoàn phim đã làm hết sức, cũng có những sơ suất, thiếu sót" - Nguyễn Quang Dũng nói.
Đạo diễn cho biết trên thế giới khó có bộ phim nào làm y chang ngày xưa. Phim cần khiến người xem có cảm xúc, hiểu thêm một phần về thời đó. Về độ chuẩn xác lịch sử, các nhà nghiên cứu có thể lên tiếng, chứ "nếu giao trách nhiệm đó cho một bộ phim thì khó quá".
Cái tên nào bán vé tốt thì được đẩy lên
Về việc Trấn Thành được đẩy lên thành tâm điểm trong quá trình quảng bá phim dù là diễn viên phụ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói không có gì đáng để tranh cãi.
Anh cho biết trên thế giới cũng vậy, cái tên nào bán vé tốt thì luôn được đẩy mạnh để quảng bá, bất kể vai nào.
Sau khi phim chiếu, nhiều khán giả thấy nhân vật bác Ba Phi có thời lượng chỉ vài phút nên cho là "không được như kỳ vọng". Tuy nhiên, điều đáng nói là nhân vật xuất hiện ít nhưng được ưu ái nhiều thoại, có một đoạn độc thoại ngắn đáng nhớ về lòng yêu nước.
0 nhận xét:
Post a Comment