Gần đây, hơn 11.500 nhà biên kịch của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA), trải dài ở các mảng truyền hình, điện ảnh, talkshow... đã đồng loạt gập bàn phím và đứng dậy đòi công bằng. AP News cho hay họ phẫn nộ vì trong khi kinh phí sản xuất phim đang tăng lên, số tiền thù lao dành cho các biên kịch lại dần bị thu hẹp.
Vụ đình công khiến Hollywood chao đảo và thế giới chú ý. Sau cuộc đình công, nhiều chương trình nổi tiếng như The Late Show, Jimmy Kimmel hay The Tonight Show, Saturday Night Live đều bị ảnh hưởng.
Trước đó, cuộc đình công 100 ngày của WGA vào năm 2007 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế California khoảng 2,1 tỉ USD. Trong lịch sử, các biên kịch Mỹ đã đình công sáu lần, mỗi lần kéo dài vài tháng, lần lâu nhất là năm tháng vào năm 1988.
Để tạo ra được những tác phẩm ăn khách, các nhà biên kịch phải làm việc với nhịp độ cao, sử dụng nhiều chất xám để biến cảm hứng thành câu chữ. Nhưng khi các tác phẩm thành công, tên của biên kịch ít khi được xướng lên. Chính việc bị đối xử bất công và thu nhập không tương xứng đã khiến họ giận dữ.
Tại Việt Nam, cống hiến của biên kịch cũng chưa được coi trọng xứng đáng. Biên kịch Trần Khánh Hoàng (Em chưa 18, Thất Sơn tâm linh) cho biết: "Bất cứ nhà làm phim nào cũng có thể nói: "Vấn đề lớn nhất của phim Việt là không có kịch bản hay". Rất nhiều người đã nêu vấn đề đó nhưng lập cơ sở để giải quyết thì chưa có một hành động nào cụ thể, từ những cấp quản lý ở trên cho đến những người đang làm nghề".
Trần Khánh Hoàng cho rằng ở Hollywood, ít nhất các nhà biên kịch còn có hiệp hội và những tổ chức giúp họ đòi hỏi công bằng. Tuy nhiên tại Việt Nam, những vấn đề này chỉ mới được đặt ra chứ chưa có một sự hợp sức nào để cùng giải quyết.
Đạo diễn Phan Đăng Di từng bày tỏ về việc các biên kịch bị trả lương quá thấp. Anh nhận định: "Ở Việt Nam vai trò và cách đối xử với biên kịch chưa được thỏa đáng, thành ra nền điện ảnh chúng ta vẫn là ăn đong, vay mượn câu chuyện từ nước ngoài".
Tại nền giải trí Hàn Quốc, các nhà biên kịch Kim Eun Sook, Park Ji Eun, Kim Soo Hyun... đều nhận mức lương ngang bằng với sao hạng A. Họ liên tiếp cho ra nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế: Hậu duệ mặt trời, Goblin (Yêu tinh), The Glory (Vinh quang trong thù hận), Hạ cánh nơi anh...
Điều này cho thấy vấn đề sinh kế của các nhà biên kịch không thể xem nhẹ, bởi điều đó có phần tạo ra những tác phẩm hay.
0 nhận xét:
Post a Comment